Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là phương pháp giảng dạy tiến bộ, khoa học và hiệu quả, đã và đang dần được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ mang đến những thông tin chi tiết hơn, cũng như cách thức sinh hoạt chuyên môn về phương pháp này cho đội ngũ giáo viên các trường.
Sinh hoạt chuyên môn dạy học theo hướng nghiên cứu bài học: Giới thiệu sơ lược
Nghiên cứu bài học là thuật ngữ chỉ một phương pháp nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên có nguồn gốc từ Nhật Bản. Khái niệm này đề cập đến việc nghiên cứu và cải thiện chất lượng dạy học thông qua các nội dung bài học cụ thể, trong đó học sinh là trọng tâm. Từ đó, thầy cô có thể thay đổi cách truyền đạt, hướng dẫn học sinh sao cho hiệu quả nhất.
Quá trình nghiên cứu và đổi mới dạy học theo hướng nghiên cứu bài học thường dựa trên các câu hỏi như:
- Học sinh tiếp thu và học hỏi như thế nào?
- Học sinh có đang gặp phải vấn đề hay khó khăn gì trong việc học hay không?
- Nội dung dạy học hiện tại có phù hợp và tạo được hứng thú học tập cho học sinh hay không?
- Kết quả học tập hiện tại của học sinh ra sao, có tiến bộ so với trước hay không?
- Nội dung dạy học hiện tại có cần điều chỉnh không? Nếu có thì điều chỉnh những gì và như thế nào?
Việc thực hiện giảng dạy định hướng nghiên cứu bài học có những lợi ích thiết thực sau đây:
- Nghiên cứu bài học là mô hình giúp người dạy học phát triển chuyên môn và năng lực, giúp giáo viên thấu hiểu học sinh và truyền tải bài học hiệu quả hơn.
- Nghiên cứu bài học lấy học sinh làm trung tâm, tất cả đều nhằm mục đích giúp các em củng cố, đào sâu kiến thức và nâng cao kỹ năng mềm;
- Hoạt động này cũng giúp các giáo viên trong tổ bộ môn tăng cường hoạt động hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
3 bước tổ chức sinh hoạt chuyên môn “Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học” cho giáo viên
Để tổ chức một buổi chuyên đề sinh hoạt cho giáo viên về phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học, chúng ta sẽ tiến hành theo quy trình 3 bước, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng minh họa, tổ chức dự giờ và dạy minh họa, cuối cùng là trao đổi, thảo luận về buổi học vừa tổ chức.
Bước 1: Chuẩn bị nội dung dạy học theo hướng nghiên cứu bài học minh họa
Ở bước đầu tiên này, giáo viên cần xác định mục tiêu hướng đến là kiến thức và kỹ năng mà học sinh sẽ có được từ phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học. Mục tiêu cụ thể sẽ khác nhau theo chuẩn riêng của từng bộ môn. Từ mục tiêu đặt ra, các giáo viên thuộc tổ bộ môn của trường sẽ cùng nhau đào sâu chi tiết về nội dung bài học, phương pháp và phương tiện giảng dạy, cách tổ chức giảng dạy theo năng lực của học sinh, cách giúp học sinh trau dồi kỹ năng và hướng dẫn các em ứng dụng những gì đã học vào thực tế. Đồng thời, giáo viên cũng cần dự tính trước những khó khăn cũng như thách thức mà học sinh có thể phải đối mặt khi tham gia các hoạt động học tập thử nghiệm này, kèm theo giải pháp xử lý.
Bài giảng minh họa theo phương pháp mới không nên phụ thuộc quá nhiều vào nội dung có sẵn trong sách giáo khoa, mà nên có thêm sự sáng tạo, linh hoạt và mang tính ứng dụng cao. Bài giảng nên gần gũi với học sinh, kích thích sự chú ý và hào hứng tìm hiểu của các em.
Bước 2: Tổ chức buổi dự giờ minh họa phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học
Đây được xem là bước quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu và sinh hoạt chuyên môn về một phương pháp dạy học. Đầu tiên, về việc dạy minh họa, giáo viên chỉ tiến hành dạy học theo giáo án đã chuẩn bị sẵn mà không có sự tập dượt từ trước. Không gian lớp học cần được bố trí sao cho giáo viên dự giờ có thể quan sát được hoạt động học tập của cả lớp. Các hoạt động diễn ra trong tiết học minh họa phải đảm bảo không vượt quá thời lượng của một tiết học thông thường.
Trong buổi dự giờ, sẽ có sự tham gia của Ban giám hiệu và giáo viên trường. Người dự giờ sẽ tập trung quan sát và ghi nhận lại hoạt động, biểu hiện của học sinh trong buổi học nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến các em. Sự quan sát này sẽ giúp người dự giờ đánh giá được học sinh có chăm chú hay không, có hứng thú với bài học không và có hiểu bài hay không. Trong buổi học, học sinh có đóng góp xây dựng bài không. Ngoài ra, đội ngũ dự giờ còn chú ý đến cả những học sinh thụ động, không phát biểu hoặc có biểu hiện chưa hiểu bài; từ đó nghiên cứu lại vấn đề các em đang gặp phải là gì để tìm ra phương án cải thiện phù hợp.
Việc thường xuyên tổ chức dạy minh họa và dự giờ sẽ giúp giáo viên trực tiếp đứng lớp được thực hành dạy học theo hướng nghiên cứu bài học nhiều hơn, từ đó phát hiện ra những điểm cần cải thiện. Ngoài ra, sự quan sát và góp ý của người dự giờ cũng sẽ giúp ích cho việc phát triển phương pháp giảng dạy của thầy cô đứng lớp.
Bước 3: Thảo luận về tiết dạy học theo hướng nghiên cứu bài học vừa tổ chức và rút kinh nghiệm
Sau khi tổ chức thành công bài giảng minh họa, các giáo viên sẽ cùng nhau thảo luận về tiết học đó. Một số vấn đề gợi ý được nêu ra trong buổi họp bao gồm:
- Đâu là những điều mà giáo viên rút ra được sau buổi dạy minh họa?
- Đâu là những điểm tốt mà thầy và trò đã gặt hái được sau buổi học?
- Đâu là những vấn đề, hạn chế vẫn còn tồn đọng?
- Với những học sinh có biểu hiện đặc biệt, ví dụ tỏ ra không hiểu, không chú ý, thụ động trong tiết học, cần tìm hiểu xem nguyên nhân là gì.
- Học sinh có phản ứng tích cực với nội dung và cách dạy mới hay không?
- Các học sinh học kém có nhận được sự chú ý và quan tâm từ phía giáo viên trong buổi học hay không?
Để buổi sinh hoạt chuyên diễn ra trong bầu không khí cởi mở, không áp lực, giáo viên chủ trì cần tích cực lắng nghe và đưa ra các góp ý khéo léo nhằm dẫn dắt buổi thảo luận đi đúng hướng và đạt được kết quả như mong muốn. Các giáo viên bộ môn khi đưa ra góp ý cần dựa trên mục tiêu của bài học và hạn chế áp đặt các quan điểm, ý kiến mang tính phiến diện, cá nhân. Sau khi kết thúc thảo luận, giáo viên có thể cùng nhau đưa ra các biện pháp cải thiện cho buổi học lần sau.
Nhìn chung, phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học nếu được nghiên cứu và tiến hành bài bản, từ đó đưa vào ứng dụng trong dạy học hằng ngày, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên sẽ được nâng cao năng lực chuyên môn, còn học sinh sẽ được tham gia các tiết học hấp dẫn và chất lượng hơn.