Giáo dục STEAM là một trong những phát kiến mang tính đột phá trong lĩnh vực giáo dục thế kỷ 21. Đây cũng là một trong những định hướng giáo dục được Inspire – Khai Nguyên lồng ghép chặt chẽ và xuyên suốt chương trình giáo dục liên cấp của mình. Bài viết hôm nay sẽ giúp Quý phụ huynh hiểu rõ hơn về câu chuyện lịch sử đằng sau giáo dục STEAM, đồng thời khám phá cách mà các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ áp dụng STEAM như thế nào.
“Zoom” vào lịch sử của giáo dục STEAM và việc vận dụng STEAM khắp các châu lục
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu lại một chút về khái niệm giáo dục định hướng STEAM. STEAM là tên viết tắt của mô hình giáo dục tập trung vào Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học). Mục đích chính của STEAM là mang lại cho học sinh kiến thức khoa học thực tiễn và các kỹ năng cần thiết của thế kỉ 21 trong các lĩnh vực đa ngành, liên quan, chính là bộ kĩ năng 5C: Communication (Kỹ năng giao tiếp); Creativity (Kỹ năng sáng tạo); Collaboration (Kỹ năng hợp tác); Critical Thinking (Kỹ năng tư duy phản biện) và Computational thinking (Kỹ năng tư duy máy tính).
Giáo dục STEAM: Quá trình hình thành và phát triển của một định hướng tiến bộ
Các “tiền thân” của giáo dục STEAM đã xuất hiện từ rất sớm. Quay ngược thời gian về thế kỷ 16, chúng ta có những bức vẽ mô phỏng cấu trúc xương người của Leonardo Da Vinci (Nghệ thuật kết hợp cùng Khoa học sinh học), chúng đã giúp ích rất nhiều cho các nghiên cứu giải phẫu học. Ngoài ra, sự ra đời của nhiều trường Đại học về kỹ thuật tại Châu Âu như Napoleon’s School for Industry (1806), Vocational Education Act (1917)…, đề cao việc giáo dục khoa học – kỹ thuật, cũng được xem là các dấu ấn đầu tiên của giáo dục STEAM ở thế kỷ 19.
Đến năm 2001, các nhà quản lý khoa học tại Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) mới chính thức cho ra mắt sáng kiến giáo dục STEM, trước đó là SMET. Khi sự cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng tăng cao, các quốc gia bắt đầu nhận ra rằng đã đến lúc chuẩn bị cho thế hệ trẻ các kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp họ thành công để trở thành lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai. Mà giáo dục STEM chính là định hướng phù hợp nhất cho việc hoàn thành mục tiêu này. Thời gian đầu, STEM phát huy tác dụng rất tốt. Nhưng người ta nhanh chóng phát hiện tổ hợp 4 lĩnh vực này vẫn còn nhiều thiếu sót. Sau một thời gian nghiên cứu lại, các nhà hoạch định giáo dục thấy rằng, tuy STEM là định hướng của sự đổi mới, song lại thiếu đi yếu tố cần thiết cho sự thay đổi và tiến bộ – chính là yếu tố sáng tạo. Do đó, họ quyết định bổ sung thêm yếu tố Nghệ thuật vào STEM, tạo thành tổ hợp STEAM hoàn chỉnh như ngày nay.
Trường Rhode Island chuyên về Thiết kế (RISD), một trong những đơn vị tiên phong trong việc bổ sung nghệ thuật vào mô hình STEM, cho rằng sự hỗ trợ lẫn nhau giữa nghệ thuật và khoa học là cực kỳ quan trọng. Cựu Chủ tịch RISD John Maeda, người có nhiều ảnh hưởng đến STEAM, đã đề cao ý tưởng cho rằng mô hình tư duy thiết kế (design thinking) và sự sáng tạo (creativity) là những yếu tố cần thiết cho sự đổi mới. Từ đó, chúng ta có giáo dục STEAM như ngày nay, với sự phối hợp chặt chẽ giữa 5 nhóm ngành quan trọng nhất của thế kỷ này.
Định hướng giáo dục STEAM đã và đang được ứng dụng như thế nào từ Châu Âu sang Châu Á?
Hoa Kỳ có thể được xem là “cái nôi” của giáo dục STEAM hiện đại. Tại quốc gia này, STEAM được đưa vào chương trình giáo dục từ cấp Tiểu học, thông qua đa dạng các đầu sách tham khảo được minh họa sống động, giúp học sinh dễ dàng hình dung được các khái niệm có phần trừu tượng và khó hiểu so với độ tuổi của các em. Đồng thời, việc tiếp xúc sớm với STEAM cũng giúp học sinh bổ sung thêm các từ vựng chuyên ngành cần thiết và từng bước hình thành tư duy khoa học.
Ở bậc Trung học, học sinh Hoa Kỳ được khuyến khích đọc thêm nhiều thể loại sách STEAM khác nhau, từ hư cấu đến phi hư cấu. Điều này nhằm giúp các em trau dồi kiến thức chuyên ngành, phát triển các các kỹ năng tư duy, ngôn ngữ và thực hành. Song song đó, các hoạt động thí nghiệm, thực hành cũng được tổ chức thường xuyên nhằm đưa các em đến gần hơn với các lý thuyết đã học.
Còn ở New Zealand, định hướng STEAM được triển khai theo hướng kích thích tư duy logic và phản biện, đề cao các hoạt động ứng dụng thực tiễn. Quốc gia này chủ trương áp dụng phương thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm và học dựa tập dựa trên dự án. Học sinh sẽ được chủ động trong suốt quá trình nghiên cứu bài học và trình bày ý tưởng trước lớp, sau đó giáo viên mới góp ý giúp các em điều chỉnh. New Zealand còn đưa Công nghệ số vào chương trình giảng dạy STEAM để giúp học sinh bắt kịp xu thế của thời đại. Yếu tố nghệ thuật và sáng tạo cũng được các trường tại đây tập trung phát triển.
Một đại diện từ Trung Đông đang thực hiện giáo dục STEAM khá tốt đó là Israel. Trẻ em Israel được tiếp xúc với STEAM từ những năm Mẫu giáo, qua 3 bộ môn Khoa học, Công nghệ và Toán. Đến cấp bậc Tiểu học, các em sẽ được học đủ tất cả bộ môn thuộc STEAM, chủ yếu khai thác từ các hoạt động sống hằng ngày. Ở cấp Trung học, học sinh sẽ được học kiến thức liên ngành STEAM thay vì các phân môn độc lập. Mục tiêu là trang bị cho các em cả hiểu biết lẫn khả năng vận dụng. Quốc gia này còn thường xuyên phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn như Google và IBM để mang lại cho học sinh nhiều chương trình trải nghiệm thực tế.
Ở phạm vi Châu Á, chúng ta có Hàn Quốc chính thức đưa STEAM vào chương trình phổ cập giáo dục toàn quốc vào năm 2009. Còn ở đảo quốc Singapore, nhiều trường quốc tế đã sớm cho học sinh tiếp xúc với nhiều thiết bị tân tiến như máy in 3D và cả các ứng dụng lập trình, nhằm tạo điều kiện cho học sinh tự xây dựng mô hình học tập. Trong những năm gần đây Việt Nam cũng đang ngày càng đề cao định hướng STEAM trong giáo dục, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ngay trong phần dưới đây.
Việc áp dụng giáo dục STEAM tại Việt Nam nói chung và tại Inspire – Khai Nguyên nói riêng
Giáo dục STEAM bắt đầu xuất hiện và lan rộng tại đất nước ta vào khoảng năm 2012. Lúc này, STEAM chỉ mới tập trung vào lập trình và robotic. Sự lan rộng của định hướng này xuất phát từ các cuộc thi quốc tế về chế tạo robot do các công ty công nghệ trong nước, phối hợp cùng các tổ chức nước ngoài. Sau đó, nhiều trường quốc tế và tư thục bắt đầu chính thức đưa định hướng STEAM vào chương trình giảng dạy, ngay từ những bậc học đầu tiên. Inspire – Khai Nguyên chính là một trong những đơn vị đó.
Tại Hệ thống trường liên cấp Inspire – Khai Nguyên, định hướng STEAM có mặt xuyên suốt 3 cấp học, với đa dạng nội dung và hoạt động học tập khác nhau. Các giờ học STEAM tại Trường được thiết kế dựa trên phương pháp nghiên cứu khoa học, nhằm trau dồi cho học sinh kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp, đánh giá và phản biện.
Nội dung STEAM ở Tiểu học mang lại cho học sinh nhiều trải nghiệm thực tế qua loạt thí nghiệm khoa học, chế tạo sản phẩm, giúp các em liên hệ kiến thức đã học với những hiện tượng quen thuộc trong đời sống thường nhật, giúp kiến thức trở nên gần gũi, dễ nhớ và lý thú hơn.
Lên đến bậc THCS – THPT, các em sẽ được tiếp xúc nhiều hơn và thường xuyên hơn với các dự án nghiên cứu khoa học bài bản, bao gồm một quy trình đầy đủ từ việc quan sát hiện tượng, xác định vấn đề, đưa ra giả thuyết, cho đến thực nghiệm kiểm chứng, cuối cùng là trình bày báo cáo.
Tóm lại, giáo dục STEAM là phương hướng của sự đổi mới và tiến bộ, giúp học sinh bắt kịp, thậm chí đón đầu các xu thế của thời đại mới. Hiểu được tầm quan trọng đó, Inspire – Khai Nguyên đã và đang nỗ lực để mang lại cho học sinh nhiều giờ học STEAM bổ ích và thú vị. Tìm hiểu thêm về STEAM cũng như các nội dung khác trong chương trình học của Trường TẠI ĐÂY.