Các cơ sở khoa học để triển khai môi trường Giáo dục Khai phóng tại Inspire – Khai Nguyên

Giá trị cốt lõi của môi trường Giáo dục Khai phóng là giúp học sinh phát huy hết tiềm năng, trở thành phiên bản tốt nhất của chính các em và từ đó có một cuộc sống hạnh phúc, thành công và ý nghĩa. Để triển khai được môi trường Khai phóng, Hệ thống trường Inspire – Khai Nguyên triển khai các hoạt động dựa trên 03 cơ sở khoa học: Trí thông minh đa diện, Thang tư duy BloomTháp học tập.

Cơ sở khoa học thứ nhất: Thuyết trí thông minh đa diện (Multiple Intelligences)

Thuyết Trí thông minh đa diện (hay có tên gọi khác là “Đa trí thông minh”, “Đa trí tuệ”) lần đầu tiên được nhắc tới bởi giáo sư Howard Gardner (1943 – ) vào năm 1983. Là một giáo sư về giáo dục tại đại học Harvard, ông đã thực hiện các nghiên cứu về nhận thức của nhân loại và chỉ ra rằng có ít nhất 08 dạng trí thông minh và mỗi người sẽ thông minh nổi trội ở một hoặc một vài dạng. 

8 loại trí thông minh theo Thuyết trí thông minh đa diện bao gồm:

  • Trí thông minh Tương tác – Xã hội: năng lực liên quan đến con người
  • Trí thông minh Nhận thức (thông minh Nội tâm): năng lực liên quan đến nội tâm bản thân
  • Trí thông minh Logic – Toán học: năng lực liên quan đến xử lý số và dữ liệu
  • Trí thông minh Ngôn ngữ – Lời nói: năng lực liên quan đến sử dụng ngôn từ
  • Trí thông minh Không gian – Thị giác: năng lực liên quan đến trí tưởng tượng và không gian
  • Trí thông minh Cơ thể – Vận động: năng lực liên quan đến điều khiển cơ thể
  • Trí thông minh Âm nhạc – Nhịp điệu – Tiết tấu: năng lực liên quan đến âm thanh và giai điệu
  • Trí thông minh Tự nhiên: năng lực liên quan đến các yếu tố trong thiên nhiên, động vật, thực vật.

Sự hiểu biết về Thuyết Trí thông minh đa diện rất quan trọng trong đối với gia đình và nhà trường để tất cả ba mẹ và thầy cô đều nhận thức rằng ‘Tất cả những đứa trẻ đều thông minh, và chúng có dạng thông minh khác nhau’. Khi đó, ba mẹ và thầy cô không dán nhãn, không so sánh học sinh nhưng tôn trọng và tạo điều kiện công bằng cho tất cả học sinh phát triển. 

Thực vậy, Albert Einstein đã từng nói ‘Tất cả những đứa trẻ khi sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu chúng ta bắt một con cá leo cây, thì cả đời nó sẽ sống với niềm tin rằng nó thật ngu ngốc’.

Inspire – Khai Nguyên hiểu rằng, mỗi em học sinh đều thông minh, có năng lực trong một lĩnh nào đó, và mỗi em đều là một cá thể khác biệt, có những thế mạnh, khả năng cần phải được khai phá và phát huy. Có học sinh rất giỏi về toán, về con số. Học sinh khác lại rất giỏi vẽ, giỏi chơi đàn hay hứng thú với âm nhạc; số khác lại rất giỏi kể chuyện hay sáng tác thơ. Tương ứng với các dạng trí thông minh là 04 kiểu người học theo mô hình VARK (Fleming & Millls, 1992). Vì vậy, chương trình học đa dạng và các hoạt động học tập được tổ chức để tất cả 08 dạng trí thông minh, 04 kiểu người học VARK đều có cơ hội chủ động tham gia vào việc học và có thể phát huy tối đa năng lực vượt trội của bản thân. 

Để giúp ba mẹ và thầy cô có hiểu biết ban đầu về dạng trí thông minh của trẻ, tất cả học sinh thuộc Hệ thống trường Inspire – Khai Nguyên sẽ đều trải qua bài khảo sát về dạng trí thông minh bẩm sinh. Tùy theo lứa tuổi mà bài khảo sát được thực hiện bởi ba mẹ hoặc chính các em học sinh.

Đọc thêm: Bài test Trí thông minh cho trẻ

Cơ sở khoa học thứ hai: Thang tư duy Bloom (Bloom’s Taxonomy)

Thang tư duy Bloom là thang đo chỉ 06 bậc tư duy của con người, được đề xuất năm 1956 bởi Giáo sư tâm lý giáo dục Benjamin Bloom (1913 – 1999), Đại học Chicago; theo đó, mức tư duy thấp nhất là “Ghi nhớ” được các kiến thức, và cao nhất là có khả năng “Sáng tạo” dựa trên những kiến thức có được. Thang tư duy Bloom là công cụ nền tảng để giáo viên xây dựng mục tiêu, hoạt động học tập, các câu hỏi, các bài tập để kiểm tra, đồng thời đánh giá kết quả học tập đối với học sinh theo các mức độ khác nhau.

Nếu chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng, tìm hiểu và nhớ những kiến thức cơ bản, thì học sinh chỉ có thể dừng lại năng lực tư duy ở bậc thấp nhất  – Ghi nhớ. Vì vậy, tại Hệ thống trường Inspire – Khai Nguyên, mỗi tiết học đều đa dạng các hoạt động, và các hoạt động này đều được hướng đến mục tiêu phát triển tư duy bậc cao cho học sinh. Tùy vào độ tuổi và nội dung kiến thức mà trong từng chương hoặc từng đơn vị bài học, học sinh đều được thực hiện các nhiệm vụ học tập để phát triển năng lực tư duy toàn diện, gồm đầy đủ 06 thang bậc tư duy, từ thấp nhất đến cao nhất. 

Ví dụ, với bài học về trái chanh, giáo viên hướng dẫn học sinh lần lượt làm việc cá nhân, theo cặp, theo nhóm, thảo luận, trả lời câu hỏi, làm thí nghiệm, chế tạo … để tìm hiểu kiến thức và giải quyết vấn đề:

Cơ sở khoa học thứ ba: Mô hình Tháp học tập (The Learning Pyramid)

Năm 1946, khái niệm ‘Tháp học tập’ được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà giáo dục Edgar Dale (1900 – 1985), sau đó được phổ biến rộng rãi bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục Hoa kỳ vào những năm 1960. Tháp học tập cho thấy phương thức con người ghi nhớ thông như thế nào và quan trọng nhất là độ chênh lệch của việc ghi nhớ thông tin tùy theo phương pháp học tập. 

Các phương pháp học tập trong Tháp học tập được chia thành 2 nhóm: Phương pháp học tập chủ động (Active Learning) và Phương pháp học tập thụ động (Passive Learning). Nếu chỉ học theo phương pháp nghe giảng thụ động thì học sinh tiếp thu được 5% lượng kiến thức. Để học sinh học tập lẫn nhau là phương pháp tốt nhất, giúp học sinh tiếp thu kiến thức lên tới 90%.

Nhằm tối ưu hóa lượng kiến thức học sinh ghi nhớ được trong thời gian học tập tại trường, Inspire – Khai Nguyên áp dụng nhóm phương pháp dạy học chủ động của mô hình Tháp học tập, với các hoạt động học tập cộng tác theo cặp – theo nhóm, học thông qua thực hành – thí nghiệm – sáng chế, thuyết trình – tranh biện và chia sẻ – hướng dẫn lẫn nhau. Không chỉ giúp học sinh khắc sâu kiến thức, biến kiến thức từ những câu chữ vô hồn trong sách vở thành trải nghiệm thực tế; các phương pháp học tập chủ động còn giúp phát triển các kỹ năng cốt lõi, các kỹ năng có thể chuyển đổi được, là những kỹ năng cần thiết cho học sinh trong cuộc sống sau này, ví dụ:

  • Tăng sự tương tác với người khác, tự tin trình bày những ý tưởng của bản thân, được tôn trọng và cảm thấy bản thân có giá trị
  • Phát triển kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo. Điều này rất tốt cho quá trình làm việc sau này của các em.
  • Khuyến khích óc tò mò, yêu thích khám phá, khiến học sinh yêu thích việc học tập và duy trì động lực học tập. Tìm được niềm vui trong học tập là yếu tố rất quan trọng, vì học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức tốt khi đến trường mà có thể học ở bất cứ nơi nào bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời các em.
  • Phát triển tư duy phản biện và sáng tạo thông qua hỏi đáp, tranh luận, tìm tòi để giải quyết vấn đề.

Với giáo dục khai phóng làm triết lý nền tảng, Inspire – Khai Nguyên ứng dụng các cơ sở khoa học nêu trên, đồng thời luôn cập nhật các nghiên cứu về khoa học giáo dục nhằm tạo ra môi trường học tập chủ động – sáng tạo – tràn đầy cảm hứng, nơi học sinh yêu thích khám phá những điều mới mẻ, kiên trì vượt qua những thử thách về học tập, phát triển kỹ năng học tập suốt đời, phát triển tư duy bậc cao, rèn luyện phẩm chất cá nhân. Tại Inspire – Khai Nguyên, học sinh có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của các em, và sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới VUCA, một thế giới đầy biến động bất ngờ của thế kỷ 21.

———–
HỆ THỐNG TRƯỜNG LIÊN CẤP INSPIRE – KHAI NGUYÊN
👉 Để được tư vấn chi tiết về chương trình học, Quý phụ huynh vui lòng đặt lịch hẹn tại đây: bit.ly/ISPtuyensinh
🌐 Website: bit.ly/ISPWeb
📌 Zalo OA: bit.ly/zaloISP
☎ Hotline: 0888 500 488 (TP. HCM) – 0888 500 611 (Vũng Tàu)