Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là gì? thực hiện ra sao?

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là phương pháp giúp khơi dậy sự tò mò, mong muốn khám phá kiến thức ở học sinh, từ đó kích thích trẻ chủ động tìm hiểu bài giảng. Phương pháp này mang lại hiệu quả học hỏi cao hơn cách thức truyền tải kiến thức chỉ thông qua sách vở truyền thống. Để hiểu rõ hơn cách dạy học này, mời Quý phụ huynh tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau đây. 

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học: Khái niệm, lợi ích và cách thực hiện

Thế nào là dạy học theo hướng nghiên cứu bài học? Có bao nhiêu hình thức nghiên cứu khác nhau?

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học (Inquiry-based learning) được phát triển vào thập niên 1960, là một quá trình giảng dạy thu hút học sinh bằng cách tạo ra các kết nối trong kiến thức, thông qua việc khám phá và đặt câu hỏi xoay quanh bài học. Đây là cách tiếp cận khuyến khích học sinh tham gia vào việc giải quyết vấn đề và học tập trải nghiệm. Cơ sở của phương pháp này là sự chuyển đổi định hướng suy nghĩ của học sinh từ điều phải nghĩ (what to think) sang cách suy nghĩ (how to think). 

Từ góc nhìn của giáo viên, phương pháp giảng dạy này đặt trọng tâm vào việc đưa học sinh vượt ra khỏi giới hạn của sự tò mò thông thường, tiến đến tư duy phản biện và nâng cao hiểu biết. Giáo viên cần kích khích học sinh đặt câu hỏi và hỗ trợ các em trong quá trình nghiên cứu.

Còn từ quan điểm của học sinh, học tập theo hướng nghiên cứu bài học tập trung vào việc đào sâu tìm hiểu một câu hỏi hoặc vấn đề mở. Các em phải sử dụng lập luận dựa trên bằng chứng khoa học, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo để đi đến kết luận, sau đó trình bày nó cho giáo viên. 

hinh 1 khai niem day hoc theo huong nghien cuu bai hoc

Có 4 kiểu nghiên cứu bài học khác nhau theo mức độ từ thấp đến cao:

  1. Nghiên cứu xác nhận (Confirmation inquiry): Giáo viên giao cho học sinh các câu hỏi nghiên cứu và cả đáp án, kèm theo một phương pháp nghiên cứu cụ thể. Các em làm theo các bước đó để chứng minh câu trả lời mà giáo viên đưa ra. Mục tiêu là xây dựng cho các em tư duy phản biện và kỹ năng nghiên cứu.
  2. Nghiên cứu có cấu trúc (Structured inquiry): Giáo viên đưa ra cho học sinh các câu hỏi mở và một phương pháp nghiên cứu. Học sinh sử dụng phương pháp này để đưa ra kết luận dựa trên tài liệu chứng minh. 
  3. Nghiên cứu có hướng dẫn (Guided Inquiry): Giáo viên đưa ra câu hỏi mở. Học sinh tự thiết kế phương pháp để đi đến kết luận.
  4. Nghiên cứu mở (Open inquiry): Giáo viên trao toàn quyền cho học sinh, từ việc đặt câu hỏi cho đến nghiên cứu; thầy cô chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong suốt quá trình. 

Bất kể hình thức nào thì phương pháp này đều nhằm mục đích phát triển khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin của học sinh. Đây đều là những biểu hiện của tư duy bậc cao theo mô hình thang tư duy Bloom. Ngoài ra, nghiên cứu bài học còn có nhiều tác dụng khác với các thông tin dưới đây.

5 lợi ích mà phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học mang lại cho học sinh 

1. Giúp học sinh hiểu bài và ghi nhớ tốt hơn

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học giúp kích thích sự tò mò của học sinh đối với các câu hỏi. Sự tò mò sẽ làm gia tăng hoạt động trong vùng hippocampus của não – vùng quan trọng giúp việc học tập và ghi nhớ được tốt hơn. Theo một nghiên cứu từ Hiệp hội Khoa học Tâm lý về tầm quan trọng của sự tò mò đối với kết quả học tập (2011), khi học sinh chủ động khám phá và học hỏi thì các em sẽ hiểu và nhớ tốt hơn những thông tin thiết yếu thu thập được trong quá trình nghiên cứu. 

2. Giúp học sinh “khởi động” đầu óc trước mỗi buổi học

Việc nhận các câu hỏi và suy nghĩ về chúng ở đầu tiết học được xem như một bài “thể dục làm nóng” cho đầu óc. Cách làm này thậm chí còn hiệu quả và hứng thú hơn nếu nó được thực hiện một cách bất ngờ và sáng tạo. Ví dụ: Giáo viên trình chiếu hình ảnh hoặc video liên quan đến chủ đề, sau đó đặt ra các câu hỏi mở và tổ chức nghiên cứu.

3. Thúc đẩy hiểu biết sâu sắc hơn về nội dung bài học

Khi tự mình đào sâu nghiên cứu và khám phá, học sinh sẽ hiểu được nhiều hơn ý nghĩa đằng sau các nhận định, các công thức của bài, cũng như cách vận dụng chúng vào thực tế. Điều này có được là do quá trình tự do học hỏi mà học sinh thực hiện theo cách riêng của mình. 

hinh 2 loi ich day hoc theo huong nghien cuu bai hoc

4. Giúp cho học sinh tập trung vào quá trình hơn là kết quả

Với phương pháp này, trọng tâm của các em sẽ là hành trình đi tìm câu trả lời và học hỏi từ các bước tiến hành này. Còn về đáp án cuối cùng như thế nào, đã có giáo viên hướng dẫn lại nếu các em hiểu chưa đúng.

5. Mang lại cho học sinh đa dạng kỹ năng

Khi được trải nghiệm nghiên cứu bài học liên tục trong thời gian dài, học sinh sẽ rèn luyện được:

  • Kỹ năng chủ động tiếp cận vấn đề và tự định hướng;
  • Kỹ năng phản biện và phân tích;
  • Kỹ năng điều tra, nghiên cứu;
  • Kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm;
  • Kỹ năng quản lý thời gian;
  • Cách trình bày báo cáo, kết luận. 

Đây đều là những hành trang cần thiết cho các bậc học cao hơn.

4 bước triển khai dạy học theo hướng nghiên cứu bài học tại lớp cho hầu hết các môn

Tùy vào từng bộ môn và nội dung kiến thức mà giáo viên có thể thực hiện đa dạng các hoạt động dạy học theo hướng nghiên cứu bài học theo danh sách gợi ý dưới đây:

  • Phân tích tình huống thực tế;
  • Dự án nhóm;
  • Dự án nghiên cứu;
  • Thực nghiệm, đặc biệt là đối với các bộ môn khoa học.

Tuy nhiên, dù là loại hình nghiên cứu nào thì đều được tổ chức theo quy trình 4 bước sau:

1. Phát triển câu hỏi và kích thích sự tò mò của học sinh

Các câu hỏi nghiên cứu có thể đến từ giáo viên hoặc bản thân học sinh, nhưng nó phải đủ hứng thú và khơi gợi sự ham muốn khám phá của các em. Một ví dụ chính là sử dụng các phương tiện trực quan như hình ảnh hay video. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể khơi gợi đề tài bằng cách kể chuyện hoặc tổ chức trò chơi nhỏ.

2. Sử dụng thời gian trên lớp để học sinh nghiên cứu

Thầy và trò sẽ cùng tận dụng quỹ thời gian trên lớp để giải quyết các câu hỏi nghiên cứu. Để tiết kiệm thời gian, giáo viên nên cho các em làm việc theo nhóm. Việc nghiên cứu có thể được thực hiện ở các không gian học tập linh hoạt như thư viện, phòng máy tính, phòng thí nghiệm hoặc địa điểm tham quan cụ thể nào đó.

hinh 3 quy trinh day hoc theo huong nghien cuu bai hoc

3. Tổ chức cho học sinh trình bày kết quả nghiên cứu

Học sinh trình bày những gì mà các em hoặc nhóm đã tìm ra được trước thầy cô và tập thể lớp. Với những dự án lớn, diễn ra trong nhiều tiết học thì giáo viên có thể gợi ý cho các em thực hiện nhiều hình thức trình bày đa dạng hơn như sử dụng powerpoint, video, tranh minh họa… Các bạn khác có thể tham gia đặt câu hỏi phản biện cho bạn/nhóm vừa trình bày. 

Sau khi tất cả đã trình bày xong, giáo viên sẽ đưa ra nhận xét và giúp các em điều chỉnh lại những chỗ mà các em chưa hiểu đúng hoặc còn thiếu sót. 

4. Cùng học sinh xem lại cả quá trình

Cuối mỗi buổi học hoặc mỗi dự án, giáo viên hãy để học sinh nhìn lại việc nghiên cứu của bản thân và tự đánh giá những điểm tốt/chưa tốt, đồng thời khuyến khích các em nêu ra các khó khăn, thắc mắc mà mình gặp phải trong lúc thực hiện. 

Có như vậy, giáo viên mới có thể kịp thời hỗ trợ các em, cũng như đánh giá được sự tiến bộ của các em qua từng buổi nghiên cứu. 

Về việc đánh giá quá trình học tập, giáo viên sẽ triển khai hệ thống đánh giá tích cực. Trong đó, học sinh có thể tự nhận xét quá trình học tập của mình thông qua nhiều tiêu chí khác nhau như: 

  • Đánh giá qua năng lực: khả năng học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn; sự tiến bộ của học sinh so với thời gian trước.
  • Đánh giá qua kỹ năng, kiến thức: xác định việc đạt được kiến thức, kỹ năng qua mục tiêu của chương trình giáo dục.

Học sinh được khuyến khích đưa ra kết quả và đáp án. Mọi câu trả lời mà các em đưa ra đều được hoan nghênh, không có đúng hoặc sai. 

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là cách làm giúp học sinh chủ động đi tìm kiến thức dựa trên tinh thần tò mò, ham học hỏi. Nó giúp các em không chỉ hiểu và ghi nhớ tốt hơn mà còn mang lại nhiều kỹ năng cần thiết. Hy vọng bài viết trên của chúng tôi đã giúp Quý phụ huynh hiểu hơn về phương pháp này. Đây cũng là một trong những phương pháp giảng dạy mà Hệ thống trường liên cấp Inspire-Khai Nguyên đang áp dụng. Bên cạnh phương pháp này, một hình thức nữa cũng được Trường tích cực áp dụng, mang lại hiệu quả cao cho học sinh chính là Dạy học tích hợp. 

Các em sẽ tiếp cận kiến thức một cách đa chiều, sinh động hơn, cũng như học được nhiều hơn trong cùng một tiết học.

>> Xem thêm: Phương pháp dạy học tích hợp ở Tiểu học

———-
HỆ THỐNG TRƯỜNG LIÊN CẤP INSPIRE – KHAI NGUYÊN
Để được tư vấn chi tiết về chương trình học, Quý phụ huynh vui lòng đặt lịch hẹn: TẠI ĐÂY
Hotline: 0888 500 488 (TP. HCM) – 0888 500 611 (Vũng Tàu)