Ngoài việc trau dồi kiến thức và phát triển thể chất, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ cũng là yếu tố quan trọng tại Hệ thống trường liên cấp Inspire-Khai Nguyên.
“Bất ổn. Cô đơn. Đau buồn. Khi đại dịch vi-rút corona đổ ập xuống thế giới vào năm 2019, những cảm xúc mãnh liệt này đã bao trùm cuộc sống của hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình”
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 – Trong Tâm trí Tôi, UNICEF, số 75.
Đại dịch đã kéo dài 3 năm, khoảng thời gian này tương ứng với việc mỗi đứa trẻ bị ngắt quãng việc học, giảm sút số lượng và chất lượng các tương tác xã hội quan trọng và cần thiết cho sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ. Thời gian mất gắn kết này càng dài, trẻ càng dễ mất nguồn năng lượng để trở nên tự chủ hơn trong việc học tập, trong việc kết nối với người khác cũng như suy giảm khả năng để nhận diện chính những cảm xúc – nhu cầu của bản thân.
Trẻ cần được hỗ trợ để nạp năng lượng, giúp trẻ vượt qua những trạng thái bất ổn – cô đơn hay đau buồn này.
—————————
Ngay từ khi trường học bắt đầu đóng cửa và triển khai các chương trình học trực tuyến, ý thức về tầm quan trọng của việc hỗ trợ tâm lý của người học trong bối cảnh đại dịch, Hệ thống trường liên cấp Inspire-Khai Nguyên đã triển khai các hình thức khác nhau để hỗ trợ học sinh. Các chương trình là đa dạng và kịp thời.
Các chương trình hỗ trợ tâm lý , sức khỏe tinh thần cho trẻ
Chương trình Trò chuyện cùng chuyên viên Tâm lý, là một hình thức tham vấn nhóm. Chuyên viên tâm lý dựa trên nhu cầu và chủ đề mà trẻ quan tâm đăng ký để sắp xếp gặp các nhóm trẻ. Trên cơ sở Lắng nghe – Tôn trọng và Cởi mở, trẻ được khuyến khích và trao cơ hội để chia sẻ bất kỳ câu chuyện liên quan cũng như lắng nghe và phản hồi tích cực với những trao đổi của trẻ khác. Chuyên viên Tâm lý đóng vai trò là người điều phối cuộc trò chuyện, với các nhiệm vụ hòa giải – an ủi – khơi gợi – động viên… Đôi khi, câu chuyện được bắt đầu với tiếng thở dài “Con chán quá cô ơi…”rồi theo sau đó là những chuyện gia đình, chuyện học hành – thi cử. Tiếng lòng được cộng hưởng, bao nhiêu câu chuyện khác được giãi bày và cứ thế tuôn ra. Khi khác, là những nụ cười giòn tan của trẻ khi chúng nói về những chuyến đi du lịch với gia đình hay những kỷ niệm khó quên với bạn bè. Và có lần, một anh chàng than thở rằng “Chắc con FA (ế) rồi cô ơi…”. Chương trình là một cầu nối san sẻ và yêu thương để kết nối các nhịp cầu đang cần nói – cần được giải bày và cần được quan tâm.
Kế đến là Chương trình Tham vấn Tâm lý cá nhân được triển khai đến toàn bộ phụ huynh – học sinh – giáo viên – nhân viên. Việc triển khai toàn bộ này khá quan trọng để giúp chuyên viên tâm lý tiếp nhận các thông tin khác nhau và kịp thời hỗ trợ. Việc tham vấn tâm lý cá nhân giúp mỗi đứa trẻ nhận diện các vấn đề và dần có các kỹ năng để giải quyết – ứng phó và vượt qua khó khăn. Cho đến hiện tại, chương trình đã cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho trẻ với các vấn đề thường gặp về gia đình, phát triển nhân cách, bạn bè, học tập, thích nghi với môi trường…. với gần 90 giờ tham vấn (số liệu được trích từ tháng 9 đến tháng 11/2021). Với tôn chỉ Bảo mật – An toàn – Đồng hành, chương trình đã tạo một môi trường an toàn và tin tưởng để tháo gỡ những khó khăn và bối rối ở mỗi đứa trẻ; giúp trẻ bình tĩnh – tự tin và thích nghi nhanh với các hoàn cảnh hiện tại.
Các chương trình kết nối và nâng cao sức đề kháng tinh thần
Những sự kiện của trường được linh hoạt chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, từ các hoạt động như Lễ hội trăng rằm, Lễ hội Halloween, Ngày nhà giáo Việt Nam, Lễ hội Noel, các chuyên đề tâm lý…. Việc này mang lại cho trẻ những lợi ích:
- Nhằm duy trì sợi dây kết nối giữa những đứa trẻ, giữa trẻ với trường và trẻ với những người khác (có chuyên đề mà diễn giả là phụ huynh, nhằm truyền cảm hứng để trẻ hiểu các góc nhìn thế hệ về các vấn đề)
- Giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường và hoàn cảnh hiện tại. Việc Trường học vẫn tuân thủ theo những lịch trình học tập và hoạt động giúp trẻ cảm nhận được trạng thái bình thường trong sự bất ổn. Như một chiếc neo giúp trẻ được trấn an, bớt bối rối trên chiếc thuyền chông chênh do giông bão. Các nhà tâm lý đều khẳng định rằng trẻ em làm tốt nhất khi chúng biết điều gì sẽ xảy ra, vì vậy việc thiết lập bình thường và thói quen là rất quan trọng.
Ngoài ra, Dự án Nuôi dưỡng Tâm trí được nhà trường xây dựng và khuyến khích trẻ thực hành theo các giá trị sống ở mỗi tháng như giá trị Hòa Bình, Tôn Trọng, Giản Dị, Trách Nhiệm, Hợp Tác, Yêu Thương; nhằm giúp trẻ rèn luyện về năng lực trí tuệ, phẩm chất và phát triển nhân cách. Việc thực hành này trao cơ hội cho mỗi đứa trẻ:
- Có được những trải nghiệm vui vẻ, tích cực và nhận ra giá trị bản thân
- Có chất liệu để trẻ tăng cường tương tác với gia đình, với bạn bè và thầy cô
- Thông qua việc được ghi nhận, được khuyến khích bởi Thầy Cô, Cha mẹ trong quá trình thực hiện, trẻ nhìn nhận tích cực về bản thân và thành công trong quá trình định hình bản sắc của mình.
Chương trình tập huấn GV nâng đỡ tâm lý – sức khỏe tinh thần cho trẻ
Việc học trực tuyến kéo dài, trẻ bắt đầu có những dấu hiệu kiệt sức, giảm tương tác xã hội dẫn đến cảm giác cô đơn cũng như mất dần khả năng tự chủ và phấn đấu trong học tập. Trẻ sao nhãng, hay than mệt mỏi, giảm mức độ tham gia các hoạt động học tập và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Một số trẻ cố gắng gây chú ý bằng các chủ đề phi học thuật và có cách nhìn tiêu cực về bản thân.
Trẻ đang đối mặt với một tình trạng gọi là “Sự cô lập của người học”. Được mô tả là tình trạng người học phải thực hiện hoạt động học tập trong khi bị tách rời hoàn toàn khỏi môi trường học tập, vốn có những yêu cầu và cách thức tổ chức riêng biệt trong phương thức giáo dục truyền thống. Nơi mà trẻ bị cuốn vào hàng loạt các mối quan hệ học đường ràng buộc, phải tạm thời bỏ qua các mối bận tâm ngoài phạm vi môi trường học tập bao quanh và học tập hiệu quả hơn… Vậy thì, sự tách rời này làm trẻ cảm thấy thiếu các bối cảnh học tập, thiếu động lực tự học – tự hoàn thành và cảm nhận sự cô đơn.
Vậy làm thế nào để giảm sự cô lập của người học? Đây là một câu hỏi được nêu ra cho chính những Giáo viên tại Hệ thống trường Khai Nguyên thảo luận và đưa ra các giải pháp.
Có rất nhiều đề xuất, phần lớn từ chính những cách mà Thầy Cô đã nỗ lực làm khi nhận thấy các suy giảm trong thái độ và cảm xúc của ở trẻ. Những cách này, đều xoay quanh 3 chìa khóa quan trọng:
- Kết nối
- Đồng cảm
- Lắng nghe
Theo đó, các Giáo viên nỗ lực:
- Tăng cường các hoạt động kết nối thông qua việc trò chuyện, hỏi han trẻ trước – trong và sau các tiết học. Tổ chức các nhóm lớp để gặp gỡ trò chuyện, cùng xem video hài hước, cùng tập luyện thể thao với nhau. Tổ chức các sự kiện, kết nối với nhóm lớp khác, trường khác để trẻ có thể giao lưu và kết bạn.
- Thực hành lắng nghe tích cực, sự hài hước để tạo bầu không khí cởi mở và lạc quan cho trẻ.
- Một số học sinh cần được trấn an thường xuyên, thể hiện sự thụt lùi trong các kỹ năng học tập hoặc khả năng làm việc độc lập, cần được hỗ trợ nhiều hơn để hoàn thành công việc bằng cách chia nhỏ các nhiệm vụ, cho phép trẻ thực hiện lại và kịp thời đưa ra những khen ngợi – động viên cụ thể và chính xác.
- Kết hợp những khoảnh khắc tâm trí và những phút giây nghỉ ngơi trong não. Trong các lớp học trực tuyến, GV có thể phát nhạc êm dịu, dành vài phút để hít thở sâu, tổ chức một điệu nhảy ngắn hoặc thực hiện một số động tác nhảy hoặc kéo căng các cơ.
- Có thể đăng bài/câu chuyện chia sẻ về những trạng thái vui vẻ – hài hước trong ngày/tuần, những bài hát có ý nghĩa động viên hay các thông tin về chiến lược tự chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tâm thần trên trang thông tin của lớp.
- Chia sẻ thông điệp về cảm hứng và sự tích cực trong các bài giảng. Làm cho trẻ biết rằng có một người lớn để nói chuyện có thể giúp trẻ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn cùng lớp sẽ giúp trẻ nhận ra rằng mình không đơn độc.
Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Giang
Trưởng phòng tham vấn tâm lý – Giáo dục Hành vi – Hướng nghiệp Hệ thống trường liên cấp Inspire-Khai Nguyên
HỆ THỐNG TRƯỜNG LIÊN CẤP INSPIRE – KHAI NGUYÊN
Tân Bình | Thủ Đức | Quận 8 | Vũng Tàu
Để được tư vấn chi tiết về chương trình học, Quý phụ huynh vui lòng đặt lịch hẹn tại đây: bit.ly/ISPtuyensinh
Website: bit.ly/ISPWeb
Zalo OA: https://bit.ly/zaloISP
Youtube: https://bit.ly/ISP-youtube
Hotline: 0888 500 488 (TPHCM) – 0888 500 611 (Vũng Tàu)
|