Giáo dục STEAM tại nhà cho trẻ với 3 hoạt động chơi mà học bổ ích

Giáo dục STEAM là gì?

Giáo dục STEAM là khái niệm dạy học liên ngành, kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học thuộc khối STEM truyền thống: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Thành tố chữ “A” trong cụm từ là Nghệ thuật (Art). STEAM nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống chỉ là kiến thức đơn thuần.

Giáo dục STEAM hiện nay không chỉ dừng lại ở những hoạt động có thể thực hiện tại Trường. Ngay cả khi ở nhà, phụ huynh vẫn có thể cho con mở mang kiến thức về các lĩnh vực STEAM thông qua một số hoạt động vui chơi, giải trí. Bài viết này sẽ gợi ý 3 hoạt động lý thú, tạo điều kiện cho trẻ học thêm nhiều điều hay mà vẫn có những phút giây vui vẻ, thoải mái.

Đọc thêm: Phương pháp Giáo dục STEAM

3 hoạt động giáo dục STEAM tại nhà mà phụ huynh có thể tham gia cùng trẻ

Các gợi ý dưới đây sẽ bao gồm cả các hoạt động từ đơn giản đến phức tạp để phụ huynh có thể lựa chọn sao cho phù hợp với độ tuổi của trẻ cũng như khả năng tham gia cùng của phụ huynh. Chúng bao gồm: Cùng trẻ xem phim, đọc sách về khoa học; Cùng trẻ chơi đồ chơi trí tuệ như lego, origami; Cuối cùng là cùng trẻ thực hiện các thí nghiệm đơn giản.

Hoạt động 1: Xem các chương trình về giáo dục STEAM hoặc đọc sách khoa học

Kênh trực tuyến:

Không khó để chúng ta tìm được những chương trình khoa học – giáo dục cho trẻ trên các nền tảng như YouTube hay Netflix. Kênh YouTube dành cho trẻ em có tiếng Việt được ưa chuộng nhất hiện nay là Pops Kids. Kênh này có khá nhiều nội dung đặc sắc, trong đó có cả các nội dung về giáo dục STEAM cho trẻ.

Nếu ba mẹ chọn cho con xem trên Netflix thì có thể thử qua một số chương trình có tính giáo dục cao sau:

  • Ask The Storybots (Hoạt hình khoa học);
  • Our Planet (Chuỗi phim tài liệu về hành tinh của chúng ta);
  • The Magic School Bus Ride Again (Phim hoạt hình có lồng ghép nội dung khoa học).

Ngoài ra, kênh truyền hình về thế giới tự nhiên nổi tiếng toàn cầu là National Geographic cũng có một trang web dành riêng cho trẻ em, nơi đăng tải những video có nội dung dễ hiểu, phù hợp cho trẻ. Phụ huynh có thể gõ từ khóa “National Geographic Kids” để tìm ra trang này trên Google. NASA cũng có một trang chuyên đăng tải video khám phá vũ trụ dành riêng cho trẻ em là NASA eClips. Video có phụ đề tiếng Anh, thích hợp cho các bạn nhỏ muốn vừa xem nội dung vừa rèn tiếng Anh. Hoặc Phụ huynh có thể truy cập vào các đường link bên dưới:

Kênh Youtube National Geographic Kids

Website National Geographic Kids

Kênh Youtube NASA eClips

Website NASA eClips

chuong trinh day hoc cho be 5 tuoi tang cuong tieng Anh

Sách báo:

Còn về sách giáo dục STEAM thì không phải bạn nhỏ nào cũng có hứng thú với việc đọc sách. Do đó, ba mẹ hãy mua cho bé những quyển sách khổ lớn với nội dung chủ yếu là tranh ảnh, như vậy sẽ kích thích được sự quan tâm của các bạn nhỏ. Hiện nay có rất nhiều đầu sách bách khoa toàn thư bằng tranh ảnh với đa dạng kiến thức hấp dẫn khác nhau. Với các bé lớp 4 hoặc lớp 5, phụ huynh có thể tìm mua cho bé các bộ truyện tranh về cuộc đời của các nhà khoa học nổi tiếng như Marie Curie hay Albert Einstein.

Hoạt động 2: Học hỏi giáo dục STEAM từ các mô hình đồ chơi như lego hoặc gấp giấy thủ công origami

Trò chơi Lego:

Bộ lắp ráp Lego là món đồ chơi quen thuộc không chỉ với các bé trai mà nhiều bé gái cũng rất yêu thích chúng. Lego được cho là món đồ chơi rất có ích cho việc phát triển khả năng sáng tạo của trẻ. Ngoài ra, chúng còn mang lại rất nhiều bài học thú vị về hình học và không gian. Phụ huynh có thể thiết kế một số trò chơi rất đơn giản như sau:

  • Cho trẻ một số lượng lego nhất định và đưa ra các đề bài, chẳng hạn như xếp các mảnh lego thành hình khối lập phương, xếp hình ngọn tháp… Với trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể ra các đề bài khó hơn như xếp hình một con vật hoặc đồ vật nhất định.
  • Kết hợp lego với vẽ tranh bằng cách cho trẻ vẽ hình một thảm cỏ hoặc con sông lên giấy, sau đó dùng lego để “xây dựng” các công trình như cây cầu bắc ngang dòng chảy hay ngôi nhà trên thảo nguyên xanh.
  • Vẽ tranh bằng lego: Đây là một trò chơi tương đối phức tạp, dành cho trẻ từ lớp 4 trở nên. Bằng những viên lego đủ màu, trẻ có thể xếp chúng trên mặt phẳng theo các cụm màu nhất định để tạo thành bức tranh theo phong cách pixel.

tro choi lego giao duc steam inspire schools (1)

Xếp giấy Origami:

Bên cạnh lego thì xếp giấy Origami cũng là bộ môn rèn luyện tư duy toán học rất tốt trong giáo dục STEAM. Phụ huynh có thể dễ dàng tìm mua cho bé các quyển sách hướng dẫn gấp origami hoặc các loại giấy gấp đa dạng khác. Ba mẹ cũng có thể cho con xem hướng dẫn gấp từ video trên YouTube. Không chỉ học hỏi thêm về các loại hình phẳng, độ dài… mà thông qua bộ môn nghệ thuật này, trẻ còn rèn luyện được sự cẩn thận, tỉ mỉ, nhẫn nại và phát huy trí tưởng tượng không gian.  Ngoài ra, khi thường xuyên xếp giấy mỹ thuật, khả năng phối hợp tay-mắt của trẻ cũng sẽ được nâng cao, hỗ trợ tốt cho trẻ trong các bộ môn thí nghiệm và chế tạo sau này.

Đọc thêm: Phương pháp giáo dục STEAM là gì?

Hoạt động 3: Cùng trẻ thực hiện các thí nghiệm giáo dục STEAM đơn giản từ đồ dùng trong nhà

Thí nghiệm là phần quan trọng không thể thiếu trong giáo dục STEAM. Do đó, sẽ là một thiếu sót đáng tiếc nếu việc học STEAM tại nhà của trẻ thiếu đi các trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, phụ huynh không cần tổ chức những hoạt động quá cầu kỳ mà có thể tận dụng ngay những đồ vật đơn giản xung quanh nhà hoặc dễ tìm mua. Các gợi ý và hướng dẫn thí nghiệm cũng rất dễ tìm trên Google hoặc YouTube. Sau đây chúng ta sẽ cùng xem thử qua 3 thí nghiệm cực đơn giản sau đây nhé:

thi nghiem giao duc steam

1. Cần tây đổi màu

Phụ huynh chỉ cần chuẩn bị một vài nhánh cần tây còn nguyên phần cuốn và lá, ly dáng cao bằng thủy tinh hoặc nhựa trong suốt và một số màu thực phẩm. Chúng ta sẽ pha màu vào nước, cắm cây cần tây vào và để trong vài giờ. Sau đó, một hiện tượng thú vị sẽ xảy ra là phần lá của cây sẽ có màu gần giống với màu trong ly nước. Hiện tượng này là do cơ chế hút nước của các mạch nhỏ trong cây và mang nước đi đến các bộ phận khác, tương tự mạch máu của con người.

2. Mũi tên ảo thuật

Đây là một thí nghiệm giáo dục STEAM cực kỳ dễ làm và không tốn nhiều thời gian. Chúng ta chỉ cần một cốc thủy tinh trong suốt đổ đầy nước, một tờ giấy trắng và một cây bút. Chúng ta vẽ một mũi tên thật rõ nét lên trang giấy, sau đó đặt tờ giấy phía sau lưng cốc nước và quan sát hình vẽ xuyên qua cốc. Lúc này, mũi tên như tách ra thêm một cái và ngược chiều với mũi tên đã vẽ. Đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng cho ánh sáng bị bẻ cong khi truyền từ không khí, qua nước và qua thủy tinh.

3. Phép thử nam châm

Hầu hết các bạn học sinh đều quen thuộc với những viên nam châm dùng để đính hình ảnh lên bảng trong lớp học. Nhưng liệu trẻ có tự hỏi vì sao không phải bề mặt nào nam châm cũng bám dính hay không? Phụ huynh có thể chuẩn bị một thỏi nam châm nhỏ, có thể là nam châm trang trí tủ lạnh và cùng bé khám phá xem đồ vật nào trong nhà “thu hút” được nam châm, sau đó cùng nhau tìm hiểu chất liệu làm nên các đồ vật trên, từ đó kết luận ra các bề mặt mà nam châm sẽ bám.

Hy vọng các gợi ý trên sẽ giúp phụ huynh và trẻ có những giờ phút giải trí tại nhà vui vẻ, lành mạnh và mang tính giáo dục cao. Những hoạt động này sẽ giúp các em xây dựng thói quen và niềm ham thích tìm hiểu khoa học.

Hơn thế nữa, học sinh cũng được làm quen với việc tiến hành các thí nghiệm đơn giản, rèn luyện được các kỹ năng mềm cần thiết như giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, sáng tạo. Đây sẽ là bước đệm giúp trẻ sẵn sàng cho thực hành thí nghiệm sáng chế ở Tiểu học và làm dự án nghiên cứu khoa học ở chương trình giáo dục STEAM dành cho cấp THCS – THPT.

Đọc thêm: Chương trình học THCS – THPT tại Inspire – Khai Nguyên

HỆ THỐNG TRƯỜNG LIÊN CẤP INSPIRE – KHAI NGUYÊN
Tân Bình | Thủ Đức | Quận 8 | Vũng Tàu
👉 Để được tư vấn chi tiết về chương trình học, Quý phụ huynh vui lòng đặt lịch hẹn tại đây: bit.ly/ISPtuyensinh
🌐 Website: bit.ly/ISPWeb
☎ Hotline: 0888 500 488 (TPHCM) – 0888 500 611 (Vũng Tàu)